Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Lời xin lỗi dễ dàng nhưng đầy khó khăn





Văn hóa xin lỗi


"Tuần qua, tai họa ập đến Vũng Áng. Giàn giáo công trình đổ sập khiến 13 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Sau sự cố, đại diện nhà thầu từ Hàn Quốc đã cúi đầu xin lỗi các nạn nhân và nhân dân Việt Nam.


Mất mát về sinh mạng là không thể bù đắp, và dù lỗi thuộc về ai và có bồi thường gì đi chăng nữa, hậu quả để lại vẫn quá tang thương. Thế nhưng cái cúi đầu của họ phần nào đó thể hiện tinh thần dám nhận trách nhiệm của người đứng đầu, cho thấy sự hối lỗi trước vong linh của những người đã khuất.

Hành động này làm tôi nhớ đến hình ảnh cúi đầu của Đại sứ và nhà thầu Nhật Bản trong vụ sập cầu Cần Thơ tám năm về trước. Năm ngoái, họ tiếp tục quay lại Cần Thơ để xin lỗi và tưởng niệm.

Những việc tưởng như rất bình thường trong văn hóa Bắc Á lại trở nên bất thường ở Việt Nam. Nhìn vào người Nhật, người Hàn, chúng ta mới nhận ra rằng đã từ rất lâu rồi chưa được nghe lời xin lỗi nào từ những người có trách nhiệm sau khi xẩy ra sự cố. Và đó hẳn nhiên không phải bởi những công trình, chính sách ở Việt Nam đều hoàn hảo. Thay vào đó, chúng ta có “cây cầu tạo hình chữ V”, “đường cong mềm mại”, “lỗi đánh máy”, hay “rút kinh nghiệm và kiểm điểm sâu sắc”. Cả một kho tàng ngôn ngữ được sử dụng chỉ để tránh từ mà chúng ta thường dạy trẻ con từ bé: “Xin lỗi”." (vnexpress)



Ngày bé, hai câu nói được dạy đầu tiên tại trường là " cám ơn" và "xin lỗi". Sau đó, là hàng ngàn bài học về " biết sai phải sửa". Nhưng càng lớn, Ta lại khó nói ra được 2 tiếng " xin lỗi". Ta có thể sửa sai, nhưng lại chẳng dễ dàng nhận lỗi. Tại sao lại thế? Có lẽ là do ta sợ mất mặt trước mọi người, cái TÔI của bản thân đã trở nên rất lớn. Và điều đó đã khiến mối quan hệ giữa người với người ngày càng căng thẳng và khó khăn biết bao. Giống như anh Nguyễn Khắc Giang đã viết ở bài trên : "Phải sửa sai sau khi làm sai là việc đương nhiên, nhưng điều chúng ta muốn thấy nhiều hơn là thái độ tiếp thu chân thành và cầu thị. Muốn người dân hiểu và thông cảm, nhiều khi chỉ cần một lời xin lỗi." 
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giesu cũng nói về tầm quan trọng của việc sám hối và nhận sai như thế.
Xin Chúa cho chúng con luôn mạnh mẽ và chiến thắng trong trận chiến với cái TÔI của bản thân để hoàn toàn xứng đáng làm chứng cho Người giữa đời.


Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 13,1-9
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Người còn nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét